Lào Cai 23° - 26°
Tỉnh Lào Cai thực hiện tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính ​
Lượt xem: 2247

          Thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, UBTV Quốc hội, Chính phủ về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Xác định đây là chủ trương lớn, quan trọng, nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính các cấp theo xu thế phát triển, phù hợp với thực tiễn, quy hoạch tổng thể, chiến lược của tỉnh, của vùng, bảo đảm hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nhằm góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Lào Cai đã xác định mục đích, yêu cầu, lộ trình thực hiện, đề ra các giải pháp và phân công các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện nội dung kế hoạch. Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, hoàn thành trong năm 2019 để bảo đảm kịp thời cho việc tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào đầu năm 2020.

Căn cứ chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 20/5/2019 về việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2021. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp làm trưởng ban. Do năm 2020 là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, ngay từ tháng 1-2020, các chi bộ thuộc đảng bộ cấp xã đã tiến hành đại hội và tháng 3-2020 bắt đầu đại hội điểm đảng bộ cấp xã. Cho nên việc sáp nhập phải hoàn thành trong thời gian sớm nhất để đơn vị hành chính cấp xã mới đi vào hoạt động, ổn định tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, sắp xếp cán bộ, chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng cơ sở. Đây là yếu tố cần thiết để bộ máy chính quyền cơ sở được vận hành nhịp nhàng, cấp ủy, chính quyền cấp xã nắm rõ tình hình của địa phương, là cơ sở quan trọng để tổ chức thành công đại hội đảng bộ ở những xã mới sáp nhập. 

Kế hoạch cũng xác định lộ trình năm 2019 xây dựng phương án, đề án sắp xếp các đơn vị hành chính đối với các đơn vị có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; năm 2020 kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách dôi dư tại những đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, sáp nhập; tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới hình thành sau khi sắp xếp. Năm 2021, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân và kiện toàn tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại những đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, sáp nhập. Tiếp tục sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư sau khi kiện toàn tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 tại những đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, sáp nhập; tổng kết việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh.

Năm 2019, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, giai đoạn 2019-2021. Đến tháng 9/2019, Lào Cai là tỉnh thứ 06 được Hội đồng liên ngành Trung ương thẩm định thông qua Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính. Cùng với đó, trước khi có chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Lào Cai đã thực hiện xây dựng 05 Đề án liên quan đến điều chỉnh địa giới hành chính, gồm Đề án thành lập thị xã Sa Pa và các phường thuộc thị xã Sa Pa trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, Đề án thành lập thị trấn Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thành phố Lào Cai và sắp xếp các xã, phường thuộc thành phố đảm bảo phù hợp với tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị. Danh sách các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp đều được nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi triển khai thực hiện. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình kỳ họp HĐND các cấp được tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, dân củ. Tất cả các phương án sắp xếp, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện  đều được cử tri nhất trí với tỉ kệ rất cao (đều đạt trên 90%). Ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 767/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Sa Pa; ngày 11/02/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 896/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai.

Theo đó, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lào Cai, số đơn vị cấp huyện vẫn giữ nguyên số lượng 09 đơn vị gồm 07 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, tỉnh Lào Cai đã rà soát và xác định huyện Si Ma Cai có cả 02 tiêu chuẩn diện tích và dân số dưới 50% theo quy định thuộc diện phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, do đặc thù huyện Si Ma Cai là huyện biên giới, vùng cao, có vai trò trọng yếu về quốc phòng, an ninh của tỉnh Lào Cai, của quốc gia; có vị trí địa lý biệt lập, điều kiện giao thông kết nối, đi lại với các huyện xung quanh rất khó khăn; có nhiều đặc điểm đặc thù, khác biệt về dân tộc, tôn giáo, văn hóa, phong tục tập quán... nên trong giai đoạn này, tỉnh Lào Cai đã đề nghị Trung ương chưa thực hiện sắp xếp và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tại phiên họp thứ 42 ngày 11/02/2020. Đối với cấp xã trước khi thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, tỉnh Lào Cai có 164 đơn vị (143 xã, 12 phường, 09 thị trấn), trong đó số lượng đơn vị hành chính cấp xã đạt cả 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số 23 đơn vị (gồm 17 xã, 02 phường và 04 thị trấn). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số 141 đơn vị (gồm 126 xã, 10 phường và 05 thị trấn). Trong đó số đơn vị hành chính cấp xã có 02 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số chưa đạt 50% có 17 đơn vị (gồm 16 xã và 01 phường). Sau khi thực hiện sắp xếp, toàn tỉnh có 152 đơn vị (127 xã, 16 phường, 09 thị trấn), giảm 12 đơn vị (giảm 16 xã và tăng 04 phường). Đến nay, các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh đều có đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số trên 50% quy định. Đến nay, tất cả các đơn vị hành chính mới hình thành do sắp xếp, thành lập điều chỉnh (bao gồm cả thị xã) đều đã đi vào hoạt động ổn định đúng theo quy định.

Theo kế hoạch, năm 2020 tỉnh Lào Cai tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách dôi dư tại những đơn vị hành chính sau khi sắp xếp sáp nhập. Tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới. Đến nay, các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động thực hiện công tác nhân sự và kiện toàn các tổ chức: Đảng ủy, HĐND, UBND và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã theo quy định. việc tổ chức bàn giao bộ máy, thôn, tổ dân phố, cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu....; bố trí trụ sở và các điều kiện cần thiết khác để các xã phường, thị trấn đi vào hoạt động từ ngày 01/3/2020 theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh và đạt kết quả tốt. Về số lượng cán bộ công chức cấp xã, toàn tỉnh đã giải quyết nghỉ hưu thôi việc 55 trường hợp, còn dôi dư 92 cán bộ công chức cấp xã và 20 viên chức tại các trạm y tế tuyến xã đang tiếp tục có phương án sắp xếp đảm bảo đến hết năm 2022 sẽ đảm bảo đúng quy định về số lượng biên chế và lãnh đạo quản lý theo đúng quy định.

Nhìn chung, việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai được Tỉnh ủy, các cấp, các ngành chủ động triển khai sớm, nhiều nội dung được triển khai trước khi có chỉ đạo của Trung ương, thực hiện nghiêm túc, kịp thời tháo gỡ cơ bản những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là những đơn vị thuộc diện sắp xếp, sáp nhập, đồng tình cao và tích cực tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh có sự chuẩn bị từ trước, đã chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; xây dựng hoàn chỉnh Đề án vị trí việc làm đối với cán bộ công chức cấp xã (đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính); ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư do sắp xếp tổ chức, bộ máy nói chung và sắp xếp đơn vị hành chính nói riêng bằng nguồn ngân sách địa phương… nên các nội dung Nghị quyết 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị “về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã”, được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện có kết quả cao được nhân dân ủng hộ, phù hợp về quản lý và giải quyết được những bất hợp lý trong công tác quản lý địa giới hành chính.

Việc bố trí các chức danh chủ chốt của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, sắp xếp vị trí việc làm của cán bộ, công chức bảo đảm đúng nguyên tắc, dân chủ, công khai, minh bạch nên tạo sự đồng thuận cao. Chế độ, chính sách đối với số cán bộ dôi dư sau sắp xếp được quan tâm chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của Chính phủ và chính sách chung của tỉnh. Đến nay, tại các đơn vị hành chính cấp xã mới được thành lập tình hình ổn định, đoàn kết, thống nhất, phấn khởi, công việc điều hành của cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước ở địa phương, theo đúng quy định của pháp luật.

Đạt được những kết quả đó là nhờ có chủ trương đúng đắn của Trung ương và của tỉnh, sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và công tác tham mưu kịp thời của các cơ quan chuyên môn (Sở Nội vụ) trong việc ban hành các văn bản, hướng dẫn để các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Đặc biệt là sự chủ động, thống nhất cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong việc sắp xếp, sáp nhập những đơn vị hành chính không đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích, dân số; cấp ủy, chính quyền đã xác định rõ việc sáp nhập đơn vị hành chính là nhiệm vụ chính trị quan trọng được tổ chức thực hiện thông suốt từ trung ương đến địa phương. Có huyện đã chủ động làm tốt trong việc giải quyết số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư trước khi có Nghị quyết sáp nhập của Trung ương như huyện Bảo Thắng, Bát Xát.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, nhất là với một tỉnh biên giới, vùng cao còn nhiều khó khăn như Lào Cai là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhưng cũng là một thách thức không nhỏ, do vậy trong quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn, trở ngại như: Sau sáp nhập, quy mô diện tích, dân số tăng, trong khi địa bàn rộng, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trong khi số lượng cán bộ, công chức cấp xã bị cắt giảm theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP (mỗi đơn vị 2 người), Đề án Công an chính quy về xã (1 đơn vị giảm 1 người) và đồng thời diễn ra tại cùng một thời điểm, thời gian ngắn, không có lộ trình cắt giảm, cơ sở vật chất tại các xã sau khi sáp nhập chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, chế độ chính sách, phụ cấp khu vực đối với cán bộ, công chức, viên chức ....

Từ thực tiễn kết quả sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Lào Cai, rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Một là, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung Nghị quyết số 37-CT/TW ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao của cả hệ thống chính quyền và Nhân dân trong tổ chức thực hiện.

Hai là, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở phải có quyết tâm chính trị cao, dám làm, quyết làm và dám chịu trách nhiệm. Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, có lộ trình thực hiện cụ thể, tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

Ba là, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế ở địa phương, trên cơ sở đó ban hành các văn bản hướng dẫn sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cho phù hợp, gắn với việc ban hành các chế độ, chính sách đặc thù của tỉnh (ngoài chính sách chung của Trung ương) hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, số cán bộ có nguyện vọng nghỉ trước tuổi...

Bốn là, sâu sát tình hình, thường xuyên nắm bắt để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Sau sáp nhập, tiếp tục bám sát địa phương và cơ sở để giải quyết kịp thời những phát sinh trong sắp xếp cán bộ, công chức, chế độ, chính sách, thủ tục hành chính và công việc cho người dân, doanh nghiệp sau những ngày đầu chính quyền cấp xã đi vào hoạt động./.





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập