Lào Cai 25° - 27°
Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Lượt xem: 185

Ngày  07 tháng 02 năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TU về Chiến lược phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhận định: Trong những năm qua phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được cải thiện: Tỷ lệ lao động qua đào tạo; số lao động được tạo việc làm mới tăng đều qua các năm; cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm dần tỷ trọng lao động trong nông nghiệp. Hệ thống giáo dục và đào tạo tiếp tục được đổi mới toàn diện; chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số có bước chuyển biến tích cực; tỷ lệ học sinh đi học ở các bậc học cao hơn sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục được tăng lên. Giáo dục nghề nghiệp từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức nhất là phát hiện, sử dụng và trọng dụng nhân tài được quan tâm; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng đáp ứng tốt hơn theo yêu cầu vị trí việc làm.

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được vai trò đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Quy mô dân số còn nhỏ; năng suất, chất lượng lao động còn thấp; cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm, lao động nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước; thị trường lao động chậm phát triển, tỷ lệ gia tăng việc làm mới còn thấp; giáo dục nghề nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu sử dụng lao động của địa phương và thị trường lao động. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế về năng lực và tính chuyên nghiệp; chưa có chính sách thỏa đáng để thu hút được các nhà khoa học, chuyên gia quản lý có trình độ cao vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Đội ngũ Doanh nhân mỏng, thiếu lực lượng quản trị doanh nghiệp trình độ cao, làm việc trong môi trường quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp, trình độ nghề lao động chưa cao; còn thiếu lao động giỏi, lao động có chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế là do cấp uỷ, chính quyền, các ngành, địa phương các cấp và doanh nghiệp nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chưa đúng mức; đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chưa được thể chế hóa và triển khai thực hiện khoa học. Hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực còn thấp; công tác dự báo nguồn nhân lực chưa kịp thời, thiếu chính xác; công tác định hướng, hướng nghiệp, phân luồng đào tạo, tuyển dụng, sử dụng nhân lực sau đào tạo còn nhiều bất cập. Cơ chế thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn lực chất lượng cao từ ngoài tỉnh chưa đủ mạnh. Sự phối hợp giữa cấp ủy, các ngành, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác giải quyết việc làm và dạy nghề thiếu chặt chẽ. Phần lớn người sử dụng lao động chưa quan tâm đến lĩnh vực đào tạo, đào tạo lại người lao động, chủ yếu dựa vào chất lượng lao động sẵn có trong xã hội; người lao động chưa tích cực tham gia đào tạo hoặc tự đào tạo để nâng cao trình độ, tay nghề.

Vì vậy cần thiết phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phát triển nguồn nhân lực.

Mời xem chi tiết nội dung Nghị quyết tại đây: Tải về

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập